Ly hôn có yếu tố nước ngoài

Cập nhật 10:54:08 - 09/09/2013 - text_viewed 3980
Đơn xin ly hôn: Trường hợp thuận tình ly hôn thì Đơn xin ly hôn do bên không có quốc tịch Việt Nam làm và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự (nếu đương sự là người nước ngoài) hoặc phải được xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại (nếu đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài) rồi chuyển về cho bên có quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam ký. Về tài sản chung và con chung hai bên có thể tự thỏa thuận giải quyết hay yêu cầu Tòa án giải quyết và ghi rõ trong đơn xin ly hôn; Trường hợp đơn phương ly hôn thì do bên xin ly hôn ký

1.      Hồ sơ xin ly hôn

-         Đơn xin ly hôn: Trường hợp thuận tình ly hôn thì Đơn xin ly hôn do bên không có quốc tịch Việt Nam làm và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự (nếu đương sự là người nước ngoài) hoặc phải được xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại (nếu đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài) rồi chuyển về cho bên có quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam ký. Về tài sản chung và con chung hai bên có thể tự thỏa thuận giải quyết hay yêu cầu Tòa án giải quyết và ghi rõ trong đơn xin ly hôn; Trường hợp đơn phương ly hôn thì do bên xin ly hôn ký;

-         Giấy chứng nhận kết hôn bản gốc. nếu ko có giấy chứng nhận kêt hôn bản gốc có thể thay thế bằng bản sao do chính cơ quan nhà nước nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cấp;

-         Giấy khai sinh của các con;

-         Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản);

-         Giấy tờ của bên có quốc tịch Việt Nam: Bản sao Chứng thực chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu, bản sao chứng thực hộ khẩu;

-         Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài: Bản sao Hộ chiếu hoặc Visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự. Có thể có đơn xin vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại Tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa lãnh sự.

2.      Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài

-         Thẩm quyền chung:

+        Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam;

+        Bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

+        Vụ việc ly hôn mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có một bên là người nước ngoài;

+        Vụ việc ly hôn mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng cả vợ, chồng đều là công dân Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú tại Việt Nam.

-         Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam: vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ, chồng cư trú, làm ăn, sinh sống ở Việt Nam.

3.      Đối với trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài

-         Đối với những trường hợp uỷ thác tư pháp không có kết quả vì lý do bị đơn sống lưu vong, không có cơ quan nào quản lý, không có địa chỉ rõ ràng nên không thể liên hệ với họ được, thì Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn đó gửi cho họ lời khai của nguyên đơn và báo cho họ gửi về Toà án những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Sau khi có kết quả, Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử theo thủ tục chung.

-         Trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức hoặc giấu địa chỉ nên nguyên đơn ở trong nước không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:

+        Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), trường hợp trong đơn xin ly hôn không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của bị đơn; thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do "chưa tìm được địa chỉ của bị đơn" là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự (Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đây là quy định cũ đã hết hiệu lực) và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết.

+        Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

4.      Đối với trường hợp các bên đều là công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài, nay họ về Việt Nam xin ly hôn.

-         Đối với trường hợp các bên có giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước đã ký kết với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc đã được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/03/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Nghị định 24) thì việc kết hôn của đương sự cần được ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp; do đó, nếu việc kết hôn của đương sự chưa được ghi chú vào sổ đăng ký thì Toà án yêu cầu đương sự làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký theo quy định của Nghị định 24 rồi mới thụ lý giải quyết việc ly hôn. Trong trường hợp đương sự không thực hiện yêu cầu của Toà án làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký mà vẫn có yêu cầu Toà án giải quyết, thì Toà án không công nhận họ là vợ chồng; nếu có yêu cầu Toà án giải quyết về con cái, tài sản thì Toà án giải quyết theo thủ tục chung.

-         Đối với trường hợp các bên có giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước chưa ký kết với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp cấp và cũng chưa được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định của Nghị định số 24 thì trong trường hợp này giấy đăng ký kết hôn phải được hợp pháp hoá lãnh sự và việc kết hôn cần được ghi chú vào sổ đăng ký; do đó, nếu giấy đăng ký kết hôn của họ chưa được hợp pháp hoá lãnh sự, việc kết hôn của họ chưa được ghi chú vào sổ đăng ký, thì Toà án yêu cầu đương sự hoàn tất thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký rồi mới thụ lý giải quyết. Trong trường hợp đương sự không thực hiện các thủ tục đó mà vẫn có yêu cầu Toà án giải quyết, thì Toà án không công nhận họ là vợ chồng; nếu có yêu cầu Toà án giải quyết về con cái, tài sản thì Toà án giải quyết theo thủ tục chung.

5.      Đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài kết hôn với người nước ngoài mà việc kết hôn đó được công nhận tại Việt Nam, nay người Việt Nam về nước và người nước ngoài xin ly hôn

-         Trong trường hợp người nước ngoài đang ở nước ngoài xin ly hôn người Việt Nam mà người Việt Nam còn quốc tịch Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam, thì Toà án thụ lý giải quyết nhưng việc áp dụng pháp luật để giải quyết cần phân biệt như sau:

+        Nếu người nước ngoài là công dân của nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước đó mà trong Hiệp định tương trợ tư pháp đó có quy định khác với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì áp dụng quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp để giải quyết; nếu không có quy định khác thì áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

+        Nếu người nước ngoài là công dân của nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước đó thì áp dụng quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

+        Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

-         Trong trường hợp người Việt Nam không còn quốc tịch Việt Nam mặc dù vẫn đang cư trú tại Việt Nam thì Toà án không thụ lý giải quyết vì việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

6.      Đối với trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài

+        Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng người nước ngoài đã về nước mà không còn liên hệ với công dân Việt Nam, nay công dân Việt Nam xin ly hôn, thì Toà án thụ lý giải quyết.

+        Theo quy định tại Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc; do đó, nếu người nước ngoài bỏ về nước không thực hiện nghĩa vụ vợ chồng theo quy định, thời gian không có tin tức cho vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam từ một năm trở lên mà đương sự, thân nhân của họ và các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước họ, các cơ quan có thẩm quyền mà người đó là công dân), sau khi đã điều tra xác minh địa chỉ của họ theo thủ tục xuất nhập cảnh, địa chỉ mà họ khai khi đăng ký kết hôn theo giấy đăng ký kết hôn... nhưng cũng không biết tin tức, địa chỉ của họ, thì được coi là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và xử cho ly hôn.

7.      Xác định pháp luật áp dụng

-         Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật này.

-         Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam.

-         Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

-         Pháp luật Việt Nam được áp dụng trong trường hợp có quy phạm xung đột trong các Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến.


Tin khác