Viên chức nhà nước muốn thành lập công ty du lịch được hay không, thủ tục như thế nào?

Viên chức nhà nước muốn thành lập công ty du lịch được hay không, thủ tục như thế nào?

Hỏi:

 Hiện nay tôi đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng (bằng cử nhân tài chính tín dụng), vợ tôi đang là viên chức nhà nước (bằng cử nhân kinh doanh du lịch). Cả 2 đều không có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch. Vậy tôi có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh du lịch không? Nếu có, xin vui lòng hướng dẫn chi tiết về thủ tục, quy định, quy chế có liên quan.

Trả lời:

1.      Theo quy định của pháp luật hiện hành, công dân được quyền tự do kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì vậy bạn và vợ bạn hoàn toàn có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh du lịch khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Nhưng cần chú ý: chủ thể được phép thành lập doanh nghiệp/góp vốn để kinh doanh lĩnh vực du lịch.

1.1.                       Theo Khoản 3 Điều 4 Luật Viên chức 2010 và Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2007, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định: viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty TNHH, công ty CP, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

1.2.                       Theo khoản 13 Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: người quản lý doanh nghiệp là “chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do Điều lệ công ty quy định.

Như vậy, bạn có thể thành lập công ty TNHH 1 thành viên do 1 mình bạn đứng tên hoặc thành lập công ty TNHH 2 thành viên do bạn và vợ bạn góp vốn nhưng vợ bạn sẽ không được là người quản lý doanh nghiệp.

2.      Về thủ tục và hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp:

Bạn cần chuẩn bị hồ sơ để đăng ký thành lập doanh nghiệp gửi tới Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh nơi bạn đặt trụ sở chính, bao gồm các tài liệu sau:

-       Thông báo thành lập doanh nghiệp (theo mẫu);

-       Dự thảo Điều lệ Doanh nghiệp;

-       Quyết định thành lập doanh nghiệp của chủ sở hữu (nếu thành lập công ty TNHH 1 thành viên) hoặc Biên bản họp, Quyết định thành lập doanh nghiệp, Danh sách thành viên sáng lập (nếu thành lập Công ty TNHH 2 thành viên trở lên);

-       CMND (Hộ chiếu) của Chủ sở hữu hoặc các thành viên sáng lập.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho bạn.

3.      Điều kiện kinh doanh lĩnh vực du lịch

Theo Nghị định 50/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, ngành nghề kinh doanh (du lịch) lữ hành là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Việc kinh doanh lữ hành có thể là: kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh lữ hành nội địa, kinh doanh đại lý lữ hành.

3.1.           Điều kiện và thủ tục kinh doanh lữ hành quốc tế

Theo quy định tại Điều 46 Luật Du lịch 2005, Điều 12 Nghị định 92//2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Du lịch, Điều 15 Nghị định 180/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2007/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải đáp ứng điều kiện sau:

-       Có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương cấp;

-       Có phương án kinh doanh lữ hành;

-       Có chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế theo phạm vi kinh doanh;

-       Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tê phải có thời gian ít nhất 04 năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành;

-       Có ít nhất 03 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế;

-       Có tiền ký quỹ là 250.000.000 đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam hoặc 500.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài hoặc kinh doanh lữ hành cả đối với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao gồm:

-       Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

-       Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh;

-       Phương án kinh doanh lữ hành (theo mẫu);

-       Chương trình du lịch cho khác quốc tế;

-       Bản kê khai thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành (theo mẫu);

-       Bản sao thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng của hướng dẫn viên với doanh nghiệp lữ hành;

-       Giấy chúng nhận tiền ký quỹ của Ngân hàng.

3.2.           Về thủ tục kinh doanh lữ hành nội địa

Theo Điều 44 Luật Du lịch, khoản 3 Mục I Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Nghị định 92/2007/NĐ-CP về kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa phải đảm bảo điều kiện:

-       Có phương án kinh doanh lữ hành nội địa;

-       Có chương trình du lịch cho khách du lịch nội địa; và

-        Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa phải có thời gian ít nhất ba năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành.

Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ thời điểm doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa phải gửi thông báo về thời điểm bắt đầu hoạt động đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

3.3.           Về thủ tục kinh doanh đại lý lữ hành:

Theo Điều 53, 56 Luật Du lịch năm 2005, Điều 43 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định, doanh nghiệp kinh doanh đại lý lữ hành phải có hợp đồng đại lý bằng văn bản với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đại lý lữ hành bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh đại lý lữ hành phải gửi thông báo thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh đại lý lữ hành cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Luật sư khác