Khi nào băng ghi âm là chứng cứ

Cập nhật 10:28:26 - 05/16/2016 - Viewed: 68916
Theo luật, băng ghi âm là một nguồn chứng cứ nhưng để trở thành chứng cứ thì phải thỏa mãn các điều kiện khá chặt chẽ…

Bà LTBL vừa kháng cáo bản án dân sự sở thẩm của TAND huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho rằng Tòa chỉ dựa vào chứng cứ duy nhất là “băng ghi âm lén” để tuyên bà phải trả cho ông NC 1,4 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng về đánh giá chứng cứ.

Dùng băng ghi âm đòi nợ

Theo đơn khởi kiện của ông C. Trước đây vì tin tưởng nên khi cho bà L vay tiền, ông không làm giấy tờ gì. Ngày 27/5/2014, ông C đi cùng một người bạn và con trai đến gặp bà L ở quán cà phê (được coi là buổi nói chuyện để dàn xếp) và bà L có thừa nhận việc vay tiền. Trong buổi nói chuyện này, ông C đã bí mật ghi âm thành một file dài 32 phút. Sau đó, ông C đã dùng băng ghi âm nói trên làm chứng cứ khởi kiện bà L đòi tiền.

Làm việc với Tòa, bà L cho rằng không có việc vay mượn tiền giữa hai bên, việc ông C dùng “băng ghi âm lén” để khởi kiện là không có cơ sở. Bà L không thừa nhận giọng nói trong băng ghi âm là của mình, không đồng ý đối chất với ông C. Bà cũng không đồng ý cho Tòa lấy mẫu giọng nói của mình để giám định theo yêu cầu của ông C. Lý do là bà không có nghĩa vụ chứng minh để phản bác người khởi kiện mà việc chứng minh cho yêu cầu của minh là nghĩa vụ của ông C. Ngoài ra, bà L cho rằng hai nhân chứng đều là người thân của ông C nên không khách quan.

Các tài liệu nghe được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.

Xử sơ thẩm hồi cuối tháng 4-2016, TAND huyện Hóc Môn nhận định: Tại phút thứ 23 của băng ghi âm, bà L có thửa nhận vay tiền của ông C, có hai người chứng kiến nên cuộc nói chuyện đó là tự nhiên, không ép buộc. Tòa không thực hiện được việc đối chất và lấy mẫu giọng nói vì bà L không hợp tác nên xem như bà không cung cấp được chứng cứ bảo vệ mình và phản bác ông C do bà L không có sự phản bác nên băng ghi âm mà ông C cung cấp được coi là chứng cứ. Mặt khác, lời khai của hai nhân chứng phù hợp với diễn tiến, nội dung vụ việc nên có cơ sở chấp nhận. Từ đó Tòa đã tuyên buộc như trên.

Phải có văn bản xác nhận xuất xứ…

Kết quả của vụ kiện này sẽ do TAND TP. HCM quyết định khi xét xử phúc thẩm. Vấn đề pháp lý mà chúng tôi muốn đặt ra từ vụ việc này là trong tố tụng dân sự, khi nào thì băng ghi âm được coi là chứng cứ có giá trị pháp lý để tòa án căn cứ vào đó mà ra phán quyết?

Ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) cho biết theo khoản 1 Điều 82 BLTTDS hiện hành, băng ghi âm được coi là một nguồn chứng cứ (tài liệu nghe được).

Tuy nhiên, việc xác định nó có phải là chứng cứ hay không thì phải theo quy định tại khoản 2 Điều 83 bộ Luật này. Theo đó, các tài liệu nghe được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.

Điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao giải thích cụ thể hơn: “Để được coi là chứng cứ thì việc xác định chứng cứ từ từng loại nguồn chứng chứng cứ cụ thể như sau: Các tài liệu nghe được, nhìn được phải xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, phim, ảnh… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ”.

Như vậy, pháp luật đã quy định khá rõ về điều kiện để băng ghi âm trở thành chứng cứ. Nếu không đáp ứng được điều kiện nêu trên thì Tòa không thể coi băng ghi âm là chứng cứ chứng minh để xác định sự thật khách quan của vụ án mà chỉ coi là tài liệu tham khảo.

Người yêu cầu phải chứng minh

Trong thực tiễn xét xử, nếu các bên đương sự đều thừa nhận giọng nói trong băng ghi âm là của mình, thừa nhận nội dung trao đổi trong băng ghi âm là đúng sự thật thì Tòa án công nhận là chứng cứ.

Gặp trường hợp một bên đương sự không thừa nhận giọng nói trong băng ghi âm là của mình, không cung cấp mẫu giọng nói để đi giám định, nếu bên cung cấp băng ghi âm xuất trình được văn bản xác nhận xuất xứ của băng ghi âm hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm đó thì Tòa vẫn công nhận băng ghi âm là chứng cứ. Tuy nhiên, nếu bên cung cấp băng ghi âm không xuất trình được văn bản xác nhận xuất xứ của băng ghi âm hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm đó thì thông thường các Tòa vẫn sẽ xét xử nhưng không công nhận băng ghi âm là chứng cứ mà dựa vào các chứng cứ khác.

Cần lưu ý thêm, nghĩa vụ chứng minh trong án dân sự thuộc về người có yêu cầu. Chẳng hạn bên cung cấp băng ghi âm cho tòa có nghĩa vụ chứng minh giọng nói trong băng ghi âm là của bên kia, bên kia có quyền không cung cấp mẫu giọng nói để giám định vì không có nghĩa vụ phải chứng minh. Luật cũng không có quy định buộc họ phải có nghĩa vụ hợp tác với bên cung cấp băng ghi âm khi họ không muốn. Chỉ khi nào họ có yêu cầu phản tố (ví dụ yêu cầu bên cung cấp băng ghi âm phải xin lỗi vì đã dùng băng ghi âm vu khống  …) thì họ mới phải có nghĩa vụ chứng minh rằng giọng nói trong băng ghi âm không phải là của mình.

                          TS Nguyễn Văn Tiến, khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP. HCM

 

 

Trích từ báo Pháp luật TP. HCM


Tin khác