Công dân có quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin

Cập nhật 11:20:15 - 05/07/2016 - Viewed: 86677
Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 quy định tất cả công dân đều có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và không phải trả phí, lệ phí...
Theo đó, tất cả công dân đều có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và không phải trả phí, lệ phí trừ trường hợp có quy định khác; trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin để in, sao, chụp, gửi thông tin, sẽ phải trả phí.

Công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Với những thông tin trong thời hạn công khai nhưng chưa được công khai; thông tin hết thời hạn công khai; thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình; thông tin liên quan đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc trường hợp phải công khai... sẽ được cung cấp theo yêu cầu, thông qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin.

Có 15 loại  thông tin bắt buộc phải công khai rộng rãi gồm:

Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;

Văn bản quy phạm pháp luật; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước…;

Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính…;

Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành…;

Thông tin về dự toán ngân sách; quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước…;

Thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, các loại quỹ;

Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;

Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;

Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành;

Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;

Danh mục thông tin phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin; Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng; thông tin về thuế, phí, lệ phí; và các thông tin khác theo quy định.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

Trường hợp công dân cho rằng thông tin công khai không chính xác thì kiến nghị với cơ quan đã công khai thông tin đó. Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan đó có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của thông tin và trả lời cho công dân; trường hợp xác định thông tin công khai không chính xác thì phải kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

Thông tin công khai không chính xác bằng hình thức nào thì phải được đính chính bằng hình thức đó.

Người đứng đầu đơn vị được giao làm đầu mối cung cấp thông tin chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin của cơ quan mình, kịp thời xử lý người cung cấp thông tin thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho công dân; không được nhũng nhiễu, gây cản trở, khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ.

 Theo Pháp Luật 


Tin khác