Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong việc ký kết Hợp đồng

Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong việc ký kết Hợp đồng

Hỏi:

Công ty tôi là công ty TNHH 2 thành viên do A  làm giám đốc và là người đại diện trước pháp luật, còn tôi làm chủ tịch hội đồng thành viên. A là người điều hành kinh doanh hàng ngày và đại diện ký kết hợp đồng với đối tác. Nếu A tự ý ký kết hợp đồng mà không thông qua sự đồng ý của tôi,  thìA  phải tự chịu trách nhiệm hay tôi cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường trên tỷ lệ góp vốn? Có cách thức nào để hạn chế quyền ký kết hợp đồng của A hay không?   Xin chân thành cám ơn!

Trả lời:

1. Trách nhiệm đối với Hợp đồng do người đại diện theo pháp luật ký

Để biết A  là người chịu trách nhiệm hay các thành viên Công ty phải chịu trách nhiệm trong trường hợp trên thì cần phải xem xét Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp về thẩm quyền ký kết hợp đồng, giao dịch. Nếu A  ký Hợp đồng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định tại Điều lệ doanh nghiệp và phù hợp với Luật Doanh nghiệp thì trách nhiệm thuộc về Công ty. Nếu A  ký sai thẩm quyền dẫn đến Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu thì A phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho Công ty.  

Để xác định A có ký kết hợp đồng đúng thẩm quyền không bạn cần căn cứ vào các quy định trong Điều lệ về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên Công ty; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc và quy định về các hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên thông qua. Ngoài ra bạn cần căn cứ vào quy định tại Điều 47, Điều 55, Điều 59 Luật Doanh nghiệp để xác định thẩm quyền ký kết giao dịch của A.

2. Cách thức hạn chế quyền ký Hợp đồng của A

Luật Doanh nghiệp luôn tôn trọng quyền tự quyết trong quản lý nội bộ của doanh nghiệp, do đó có những quy định tùy nghi để doanh nghiệp có thể lựa chọn và quy định sao cho phù hợp với doanh nghiệp. Các quy định đó có thể được thể hiện tại Điều lệ của doanh nghiệp, các nội quy, quy chế hoạt động của doanh nghiệp....

Về thẩm quyền của Hội đồng thành viên công ty TNHH 2 thành viên, thẩm quyền của Giám đốc, Luật Doanh nghiệp quy định theo tính chất mở, do đó doanh nghiệp hoàn toàn có quyền quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên để phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:

Điều 47. Hội đồng thành viên

1. Hội đồng thành viên gồm các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thành viên là tổ chức chỉ định người đại diện theo uỷ quyền tham gia Hội đồng thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.

2. Hội đồng thành viên có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn;

c) Quyết định phương thức đầu tư và dự án đầu tư có giá trị trên 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

d) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

e) Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

g) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;

h) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

i) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;

k) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

l) Quyết định tổ chức lại công ty;

m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

n) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Điều 55. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên;

b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ công ty;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

h) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;

i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

k) Tuyển dụng lao động;

l) Các quyền và nhiệm vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Như vậy, để hạn chế thẩm quyền của A  trong việc thông qua và ký kết giao dịch thì các thành viên trong Công ty cần họp và thống nhất để sửa đổi điều lệ Công ty theo hướng tăng thẩm quyền của Hội đồng thành viên, hạn chế thẩm quyền của Giám đốc trong việc thông qua giao dịch.

 

 

Luật sư khác