Nghĩa vụ cấp dưỡng với con ngoài giá thú

Nghĩa vụ cấp dưỡng với con ngoài giá thú

Hỏi  

        Chúng tôi sống chung với nhau đã được 7 năm, chúng tôi có với nhau một đứa con chung được 6 tuổi, bé hay bệnh và mỗi lần chữa trị rất tốn kém nhưng anh ta không hề quan tâm và không chịu chi trả một đồng nào mọi chi phí tôi đều phải gánh chịu, tôi không muốn sống chung với anh ta nữa và tự nuôi bé một mình, giờ người đàn ông đó đã có người phụ nữ khác bỏ rơi mẹ con tôi, không có trợ cấp tiền nuôi dưỡng cháu bé. Bây giờ tôi muốn làm đơn gửi lên tòa án yêu cầu anh ta thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con tôi. Nếu như tôi làm đơn thì tôi cần chuẩn bị những thủ tục như thế nào và có cần bằng chứng hay xác nhận gì không?

Vì trước đây khi sanh con, tôi và anh ta không có giấy đăng ký kết hôn nhưng có một điều là anh ta không chối bỏ đứa trẻ và cũng thừa nhận là con và chúng tôi cũng có tổ chức đám cưới với sự chứng kiến của gia đình hai bên.
Tôi rất mong nhận được câu trả lời trong thời gian sớm nhất.
Trả lời:

     Nếu như người bố của đứa trẻ đồng ý nhận con thì bạn và người đó chỉ cần lên Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện việc đăng ký việc cha, mẹ, con. Thủ tục được quy định tại Điều 34 của Nghị Định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.

“Điều 34. Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;

b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có)

2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên.”

Trong trường hợp người bố của đứa trẻ không đồng ý nhận con thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án với nội dung xác định cha cho con theo như quy định tại Khoản 4 Điều 27 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trình tự trong trường hợp này theo như quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành.

Sau khi đã xác nhận được người bố của đứa trẻ thì bạn có quyền yêu cầu người bố này thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại điều 50 của Luật Hôn nhân và Gia đình:

“Điều 50. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.”

Luật sư khác