THỦ TỤC KHI XÂY NHÀ MỚI

Cập nhật 11:53:29 - 03/07/2017 - Viewed: 85140

Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định (trừ một số trường hợp được miễn giấy phép xây dựng như: nhà ở riêng lẻ ở nông thôn (không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa), nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị,…). Do đó, để xây dựng nhà ở mới thì chủ nhà cần phải làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn).

Theo khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị.

Theo quy định tại 1 Điều 93 Luật Xây dựng, điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị là: phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ theo quy định...

Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Theo khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

- Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Bản vẽ thiết kế xây dựng;

- Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Tùy theo yêu cầu và thực tế ở từng địa phương, bản cam kết này có thể là chủ nhà cam kết đơn phương (có xác nhận của chính quyền địa phương) hoặc phải có bản cam kết có chữ ký của chủ nhà với chủ nhà hàng xóm, công trình liền kề.

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30/10/2015 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ, trước khi thi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp (nếu có).

Về thiết kế xây dựng nhà ở, đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ nhà được tự thiết kế. Thiết kế phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

Đối với nhà ở với quy mô như vừa nêu, chủ nhà cũng được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng và các ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận.

Như vậy, nếu xây nhà ở mới (không phải là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn và các trường hợp khác được miễn giấy phép xây dựng) thì chủ nhà cần phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền, trong đó phải có bản cam kết đảm bảo an toàn đối với công trình liền kề. Ngoài ra, chủ nhà còn phải tuân thủ các quy định về khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, tổ chức thi công xây dựng.


Tin khác