Tính pháp lý của dấu treo và dấu giáp lai

Cập nhật 09:17:07 - 04/23/2016 - Viewed: 69390
Các văn bản có đóng dấu treo hoặc dấu giáp lai thường xuyên được phát hành trong công tác văn thư của doanh nghiệp. Hiểu rõ tính pháp lý của việc đóng dấu treo và dấu giáp lai là điều cần thiết để tránh những sai sót có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.

Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu có quy định ý nghĩa của con dấu là thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước.

Điều 1. Con dấu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội quần chúng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) và một số chức danh nhà nước. Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Con dấu được quản lý theo quy định của Nghị định này.

  • Dấu treo

Đóng dấu treo là dùng con dấu đóng lên trang đầu và đóng trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tên của phụ lục kèm theo văn bản chính. Trên thực tế, một số cơ quan đóng dấu treo trên các văn bản nội bộ mang tính thông báo trong cơ quan hoặc trên góc trái của liên đỏ hoá đơn tài chính. 

  • Dấu giáp lai

Đóng dấu giáp lai là dùng con dấu đóng lên lề bên trái hoặc lề bên phải văn bản gồm 2 tờ trở lên  để trên tất cả các tờ đều có thông tin về con dấu nhằm đảm bảo tính chân thực của từng tờ trong văn bản và ngăn ngừa việc thay đổi nội dung, giả mạo văn bản. Việc đóng dấu giáp lai được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan quản lý ngành.

Thông thường khi các doanh nghiệp giao kết hợp đồng bao gồm nhiều trang, ngoài chữ ký và đóng dấu của các bên trong phần cuối cùng của hợp đồng thì còn có dấu giáp lai của các bên ký kết nếu tất cả các bên đều là tổ chức có sử dụng con dấu. Đối với hợp đồng có nhiều trang mà không thể đóng dấu giáp lai 1 lần thì có thể chia ra, đóng dấu giáp lai trên các trang liên tiếp cho đến khi đã đóng dấu giáp lai lên hết các trang của hợp đồng đó và đảm bảo khi ráp các trang lại với nhau thì dấu giáp lai phải khớp với con dấu của doanh nghiệp.

 Dấu treo và dấu giáp lai mặc dù đều sử dụng con dấu để đóng vào văn bản được ban hành tuy nhiên liệu chúng có khẳng định giá trị pháp lý của văn bản hay không vẫn còn là một vấn đề chưa rõ ràng. Nhìn chung, giá trị pháp lý của văn bản có thể không chỉ được xác định qua dấu treo và giáp la mà còn căn cứ vào các yếu tố khác như chữ ký của người có thẩm quyền, hơn nữa, việc đóng dấu treo hay dấu giáp lai tùy thuộc vào tính chất văn bản, quy định của pháp luật cũng như nội bộ tổ chức đó, do đó, cần tùy thuộc vào các trường hợp khác nhau để đưa ra nhận định.

Theo Dân Luật

 


Tin khác