Những bộ luật có hiệu lực trong năm 2018

Cập nhật 10:09:03 - 03/02/2018 - Viewed: 80394
Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
  1. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập, thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo.

Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

  1. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tiêu chí xác định DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí sau đây: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Nội dung hỗ trợ bao gồm: Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

  1. Luật Quản lý ngoại thương

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau bị áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước; gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật quy định hàng hóa bị cấm xuất khẩu trong các trường hợp: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật quy định biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

  1. Luật Du lịch

Luật Du lịch (sửa đổi) bổ sung thêm điều kiện đảm bảo quy chuẩn đối với loại cơ sở lưu trú du lịch do Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Quy chuẩn này sẽ quy định những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và người lao động đối với từng loại cơ sở lưu trú du lịch nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú.

Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao. Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và hạng 5 sao. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, hạng 2 sao và hạng 3 sao.

  1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản.

Bộ luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 292 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; bổ sung một tội danh mới - đó là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a Bộ luật Hình sự) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian vừa qua, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

  1. Bộ luật Tố tụng hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; nguyên tắc suy đoán vô tội; không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm;…

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các biện pháp chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự. Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới, bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng.

  1. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Luật quy định về tiếp nhận, phân loại quản lý, chế độ quản lý, thực hiện trích xuất, chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tam giam; kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ; quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị chết.

  1. Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự

Luật ra đời nhằm tinh gọn đầu mối theo hướng không quy định Trại tạm giam, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, Cảnh sát quản lý hành chính là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Luật cũng bổ sung quy định về Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (cấp Bộ), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (cấp tỉnh).

Luật cũng quy định thời hạn điều tra đối với tội phạm quả tang, ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư điều tra theo thẩm quyền từ 20 ngày thành một tháng để đảm bảo tính khả thi.

  1. Luật Trợ giúp pháp lý

Luật mới quy định các điều kiện cụ thể để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Theo đó, để ký hợp đồng với các tổ chức có điều kiện tốt nhất cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp sẽ lựa chọn theo quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Luật quy định chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý đối với 3 hình thức: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.

Luật đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước tập trung thực hiện vụ việc tố tụng thông qua quy định trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 2 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan.

 

Theo Thư viên pháp luật.


Tin khác