Mở rộng trường hợp phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo

Cập nhật 16:00:50 - 03/16/2017 - Viewed: 83266
Để đảm bảo tối đa quyền lợi của bị can, bị cáo, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi các trường hợp phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo.

Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội ngày 29/6 /2016 quy định về lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tuy nhiên, các quy định có lợi cho người phạm tội theo BLTTHS 2015 vẫn tiếp tục được áp dụng, trong đó có quy định về những trường hợp phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo.

Theo Khoản 2, Điều 57, BLTTHS 2003, ngoài trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì bị can, bị cáo phải là đối tượng bị khởi tố hoặc bị truy tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình mà bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ không mời người bào chữa mới thuộc trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

Tuy nhiên, BLTTHS 2015 tại Điều 76 đã mở rộng đối tượng thuộc trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định bào chữa: Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình.

Như vậy, theo quy định của BLTTHS 2015, những đối tượng là bị can, bị cáo về tội có mức cao nhất của khung hình phạt 20 năm tù trở lên sẽ thuộc trường hợp được chỉ định người bào chữa.

Quy định này nhằm đảm bảo tối đa quyền bào chữa của bị can, bị cáo, từ đó tăng cường hiệu quả tranh tụng trong quá trình tố tụng, hạn chế tình trạng làm oan người vô tội và hơn nữa còn thể hiện tinh thần nhân đạo của Bộ luật này.


Tin khác