Quyền hưởng dụng – quyền mới trong BLDS năm 2015

Cập nhật 09:24:06 - 03/17/2017 - Viewed: 129785
Quyền hưởng dụng là “quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”.

Đó là một chế định mới được bổ sung tại Điều 257 trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 mà trước đây BLDS năm 2005 không quy định.

Theo như quy định tại Điều 257 BLDS năm 2015 thì có thể hiểu rằng, quyền hưởng dụng là quyền của người được nắm giữ, sử dụng tài sản nhưng họ không có quyền quyết định, định đoạt tài sản đó, có nghĩa là người này không phải là chủ sở hữu.

Ở đây, cũng cần phân biệt quyền hưởng dụng với các quy định khác dễ gây nhầm lẫn với quyền hưởng dụng như hợp đồng thuê khoán tài sản “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.” (Điều 483, BLDS)

Điểm tương đồng của quyền hưởng dụng và hợp đồng thuê khoán tài sản là bên hưởng quyền hoặc thuê tài sản là cả hai đều khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản. Đây là điểm dễ gây nhầm lẫn giữa quyền hưởng dụng và hợp đồng thuê khoán tài sản.

Bên cạnh đó, giữa quyền hưởng dụng và hợp đồng thuê khoán tài sản có điểm khác biệt là:

Thứ nhất, khách thể của quyền hưởng dụng theo quy định của luật là tài sản của chủ thể khác và tài sản đó là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bất động sản và động sản; bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Thứ hai, quyền hưởng dụng khác hợp đồng thuê khoán tài sản là chủ thể của quyền hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản, trong khi đó, bên thuê khoán tài sản không được cho thuê khoán lại, trừ trường hợp được bên cho thuê khoán đồng ý.

Trong cuộc sống, quyền hưởng dụng tồn tại rất đa dạng và phức tạp dưới các hình thức khác nhau như để cho con có thu nhập đảm bảo cuộc sống riêng, cha mẹ cho con được thu hoa lợi từ việc trồng trọt trên đất mà cha mẹ là chủ sở hữu quyền sử dụng đất đó. Ở đây thấy rằng, chủ sở hữu tài sản tuy có quyền định đoạt tài sản nhưng chủ thể được hưởng dụng tài sản cũng có những quyền tách bạch so với chủ sở hữu.

Khi thực hiện quyền hưởng dụng thì chủ thể có quyền đối với tài sản là tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng; yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản; có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí khi thực hiện nghĩa vụ thay chủ tài sản; và cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản. Bên cạnh đó, chủ thể cũng phải có nghĩa vụ là tiếp nhận và đăng ký tài sản, khai thác tài sản đúng mục đích, giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng, sữa chữa tài sản, và hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

Quyền hưởng dụng chấm dứt theo quy định là thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết, theo thỏa thuận của các bên, người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định, tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn, theo quyết định của Tòa án và căn cứ khác theo quy định của luật./.

                                                                                                                                                                                                        Mai Hùng Nhân
                                                                                                                                                                         VKSND huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang


Tin khác