Thay đổi tên cha mẹ, ai giải quyết

Cập nhật 14:49:13 - 03/17/2017 - Viewed: 83790

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngụ phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM), năm 1987, bà sinh được một người con trai. Lúc đó vì hoàn cảnh có nỗi khổ riêng nên bà Thủy đã phải nhờ vợ chồng người chị đứng tên cha mẹ trên giấy khai sinh cho con.

Muốn nhận lại mẹ ruột

 

Dù nhờ vợ chồng người chị đứng tên cha mẹ cho con trên giấy khai sinh nhưng trên thực tế, suốt hai mươi mấy năm qua bà Thủy vẫn một mình nuôi con khôn lớn. Nay con trai bà muốn cải chính lại tên cha mẹ trên giấy khai sinh cho đúng sự thật. Ý định này của con trai bà Thủy được tất cả người thân ủng hộ, kể cả vợ chồng người chị của bà Thủy.

Vì vậy, con trai bà Thủy đã làm đơn gửi lên UBND phường 8 (quận Phú Nhuận) xin nhận mẹ ruột và cải chính lại tên cha mẹ trên giấy khai sinh. Được phường báo cáo lên, UBND quận Phú Nhuận bèn gửi công văn trao đổi nghiệp vụ với Sở Tư pháp TP.HCM. Sau đó, Sở Tư pháp TP.HCM có ý kiến là hướng dẫn cho con trai bà Thủy liên hệ ra tòa.

Theo Sở Tư pháp, khoản 2 Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con (ở đây có thể hiểu là vợ chồng người chị của bà Thủy) thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Tuy nhiên, sau đó mẹ con bà Thủy đến TAND quận Phú Nhuận liên hệ thì cán bộ tòa trả lời là do vụ việc không có yếu tố tranh chấp giữa các bên nên cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Bà Thủy than thở: “Vợ chồng chị tôi hết lòng ủng hộ cho con trai tôi nhận lại mẹ ruột thì làm sao có tranh chấp để tòa chịu nhận đơn, thụ lý. Chả lẽ chúng tôi phải giả vờ tranh chấp hay sao? Giờ chúng tôi không biết phải làm sao nữa”.

Không tranh chấp: Phường giải quyết?

Chúng tôi đã đem tình huống của mẹ con bà Thủy trao đổi với các chuyên gia.

Theo một thẩm phán chuyên xét xử dân sự ở TAND TP.HCM, khoản 4 Điều 27 BLTTDS đã quy định rõ tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Song song đó, yêu cầu nhận mẹ ruột (không có tranh chấp) của con trai bà Thủy cũng không nằm trong các yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo Điều 28 BLTTDS.

Theo vị thẩm phán này, ở đây chính UBND phường 8 là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc này. Bởi lẽ quy định tại Điều 63, Điều 64 Luận Hôn nhân và Gia đình điều chỉnh các trường hợp mà bản thân nó vốn đã có sẵn yếu tố tranh chấp (cha mẹ không thừa nhận con, con không thừa nhận cha mẹ) thì đương nhiên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo BLTTDS. Còn trong trường hợp các bên liên quan đều tự nguyện thống nhất không phát sinh tranh chấp mà chỉ xin nhận mẹ ruột, cải chính tên cha mẹ trong giấy khai sinh thì thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Nếu UBND phường e ngại rằng không có căn cứ để chứng minh mối quan hệ mẹ con ruột thì có thể yêu cầu các đương sự làm xét nghiệm ADN...

Đồng tình, luật sư Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Trường hợp này đã được quy định trong Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch).

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 32 Mục 6 Nghị định 158, việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.

Theo Điều 33 Mục 6 Nghị định 158 thì UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con cũng như bổ sung, cải chính sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của người con cũng đã được quy định tại các điều 34,  35 Mục 6 Nghị định 158.

Luật sư Lộc nhấn mạnh: “Quy định đã có hết rồi. Có tranh chấp thì thuộc tòa án, không có tranh chấp thì thuộc UBND cấp xã. Vì vậy, con trai bà Thủy cần phải làm xét nghiệm ADN với cha mẹ ruột để làm chứng cứ, sau đó nộp giấy tờ xin nhận cha, mẹ, con ra UBND phường 8, kèm theo biên bản đồng thuận của cha mẹ đứng tên trên giấy khai sinh để yêu cầu UBND phường giải quyết. Nếu UBND phường từ chối không giải quyết thì con trai bà Thủy có thể khiếu nại lên UBND quận Phú Nhuận hoặc khởi kiện ra TAND quận này bằng một vụ kiện hành chính.

Thủ tục

Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự...

2. Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

(Trích Điều 34 Mục 6 Nghị định 158)

Bổ sung, cải chính hộ tịch

1. Căn cứ vào quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.

2. Trong trường hợp phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ thì đương sự phải làm thủ tục cải chính theo quy định.

thiết kế biệt thự

(Trích Điều 35 Mục 6 Nghị định 158)

 


Tin khác