Công ước chống tra tấn: Không sử dụng chứng cứ do tra tấn mà có

Cập nhật 15:07:14 - 11/10/2014 - Viewed: 8660
Vào ngày 7/11 vừa qua,Trường ĐH Luật TP.HCM đã phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn (CAT) mà nước ta ký một năm trước.

Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ -Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, các hình thức tra tấn gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho nạn nhân nhằm lấy thông tin vẫn xuất hiện tại các nước trên thế giới, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Nhận thức được tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi này, ngày 10-12-1984, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác (CAT, có hiệu lực vào ngày 26-6-1987). Đây là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người.

Loại bỏ chứng cứ có được do tra tấn

Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, khó khăn chung của các nước tham gia CAT đó là định nghĩa cụ thể về tra tấn và các hành vi đối xử vô nhân đạo khác. Kinh nghiệm của nhiều nước như Mỹ, Đan Mạch, Thụy Sĩ là không thiết lập một tội phạm riêng về tra tấn mà thay vào đó quy định thành nhiều tội phạm khác nhau có hành vi tra tấn. Một cách tương đồng, BLHS Việt Nam tuy không có điều luật quy định riêng về tội tra tấn nhưng cũng đã có các điều luật khác nhau quy định về các hành vi phạm tội có tính chất tra tấn, chẳng hạn tội dùng nhục hình (Điều 298), tội bức cung (Điều 299)...

Theo đó, một trong các biện pháp chống tra tấn mà CAT quy định đó là việc đánh giá và sử dụng chứng cứ trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, “mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ phát ngôn nào được đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ tiến trình tố tụng nào, trừ khi để làm bằng chứng chống lại một người bị cáo buộc là đã thực hiện hành động tra tấn để có lời khai của người đó”. Với quy định này, mọi chứng cứ mà cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng “có được” bằng hành vi tra tấn sẽ không có giá trị pháp lý để buộc tội hoặc chống lại người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, CAT không loại trừ chứng cứ từ lời cáo buộc của người bị tra tấn đối với người đã thực hiện hành vi tra tấn mình. Ví dụ: Người bị giam giữ tố cáo điều tra viên đã tra tấn, bức cung, nhục hình họ thì cơ quan tố tụng phải lưu ý và sử dụng nhằm phục vụ cho việc xử lý điều tra viên liên quan về hành vi tra tấn.

Việc phê chuẩn và trở thành thành viên của CAT đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi pháp luật liên quan nhằm nội luật hóa cam kết để thực thi CAT có hiệu quả. Một trong những hướng hoàn thiện là có thể xây dựng quy định trên thành một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự.

Sửa đổi, bổ sung luật

Nói về định hướng xây dựng hệ thống pháp luật của chúng ta:

Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục đánh giá một cách hệ thống và toàn diện để sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự theo tinh thần của CAT. Bởi lẽ dù về cơ bản, pháp luật Việt Nam có những quy định thể hiện vấn đề chống tra tấn nhưng xét về mức độ tương thích thì vẫn còn những khoảng trống nhất định so với yêu cầu của công ước.

Theo tinh thần này, quy định của BLHS Việt Nam vẫn còn những nội dung cần tiếp tục phải hoàn thiện theo hướng đấu tranh với hành vi tra tấn từ sớm, từ khi các hành vi này chưa gây ra những hậu quả cụ thể về sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là các hành vi tra tấn gây đau đớn về tinh thần. Về quyền tài phán của quốc gia trong việc xử lý đối với hành vi tra tấn thì quy định của Việt Nam hiện nay có phạm vi hẹp hơn so với quy định của CAT. Do đó, Việt Nam nên hoàn thiện quy định về hiệu lực của BLHS và quyền tài phán trong lĩnh vực tố tụng hình sự đối với các hành vi phạm tội nói chung và hành vi tra tấn nói riêng trên lãnh thổ di động (máy bay, tàu thủy mang cờ Việt Nam).

Tương tự, BLTTHS cũng cần sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định liên quan đến quyền của người bị buộc tội, đặc biệt là người bị giam giữ, trong đó có việc xây dựng nguyên tắc không thừa nhận, sử dụng chứng cứ buộc tội có được do tra tấn như đã nói.

Thứ hai, Việt Nam cần có những biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế về dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự và chuyển giao phạm nhân để thi hành án. Đồng thời, Việt Nam cũng cần nghiên cứu toàn diện các quy định của CAT để có thể bảo lưu một số quy định có khả năng phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích quan trọng khác của Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa hành vi tra tấn mang tính thiết thực, bao gồm phòng ngừa tội phạm có tính chất tra tấn chung và các hành vi có tính chất tra tấn trong thực hiện quyền lực công nói riêng.

Đặc biệt, để cuộc đấu tranh chống tra tấn có hiệu quả, rất cần có sự nhận thức đầy đủ của toàn xã hội, nhất là các cán bộ tư pháp. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những hoạt động tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về phòng, chống tra tấn.

Định nghĩa về tra tấn

Tra tấn là bất kỳ hành vi nào gây ra sự đau đớn hoặc gánh chịu sự đau đớn hà khắc, bất kể là về thể chất hoặc tâm thần, cố tình gây ra cho con người với mục tiêu như là nhận được thông tin từ người đó hoặc người thứ ba hoặc một sự nhận tội, phạt người đó về hành vi mà anh ta hoặc người thứ ba đã phạm tội hoặc tình nghi là đã phạm tội, hoặc đe dọa hoặc bắt buộc anh ta hoặc người thứ ba, hoặc vì bất kỳ lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử các loại, khi những đau đớn hoặc sự gánh chịu đau đớn đó bị gây ra do hoặc tại lúc điều tra hoặc có sự đồng ý hoặc với sự đồng tình hoặc đồng ý của công chức hoặc của người khác hành động trong năng lực chính thức.

(Theo Điều 1 của CAT)

 

Theo Pháp Luật

HỒNG TÚ


Tin khác