Điểm mới trong Luật Hôn nhân- Gia đình sửa đổi: vấn đề kết hôn của người đồng tính

Cập nhật 10:50:34 - 11/07/2013 - Viewed: 6085
Chiều 6/11, các ĐBQH nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đọc tờ trình Dự thảo Luật HN-GĐ sửa đổi. Trong đó, qui định thu hút nhiều sự quan tâm của người dân là vấn đề kết hôn của người đồng tính.

Dự thảo trình Quốc hội đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời cũng khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...


Cấm hay thừa nhận hôn nhân đồng tính hiện có hai loại ý kiến trái chiều nhau. Quan điểm thứ nhất đồng tình dự thảo, cho rằng hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật HN-GĐ năm 2000. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với nhóm người này và để có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý của tình trạng chung sống như vợ chồng giữa một bộ phận người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế thì cần phải có quy định pháp luật để điều chỉnh. Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành vì cho rằng, đây là một hiện tượng không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, và quy luật sinh học, cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống. Do đó, không nên khuyến khích để mối quan hệ này phát triển.

Một cặp đôi đồng tính nữ. Ảnh HL
 
Thẩm tra dự luật, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và cho rằng, thời điểm này trong xã hội vẫn còn những ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo cần tổng kết việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, tiến hành khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam, kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam, đồng thời có đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với quy định trong dự thảo.

Theo Tờ trình của Chính phủ, vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Mặc dù pháp luật hiện hành đã lựa chọn giải pháp cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra và Nhà nước ta đã phải áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết theo quy định của pháp luật để xử lý. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trào lưu thế giới hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý.

Thực tế cho thấy, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân của họ cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình, bước đi phù hợp. Trong hoàn cảnh ở nước ta hiện nay, Chính phủ cho rằng Nhà nước và pháp luật không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng Nhà nước cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của xã hội…

Qui định này của dự thảo không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người đồng tính, mà ngay cả các chuyên gia pháp lý cũng còn có nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Nhà nước không cấm, nhưng lại không thừa nhận là qui định kiểu “nước đôi”, thiếu rõ ràng… Theo chương trình, dự kiến chiều 14-11, các ĐBQH sẽ thảo luận về dự luật này.

Theo Phapluatxahoi


Tin khác