Đưa khái niệm 'đảo nhân tạo' vào luật để bảo vệ chủ quyền

Cập nhật 10:28:04 - 05/29/2015 - Viewed: 41399
Cho rằng không đưa khái niệm đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô, đảo nhân tạo... vào dự án luật có thể ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc.

Tại phiên thảo luận dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 28/5, một số đại biểu bày tỏ lo lắng trước việc dự án luật không đưa khái niệm các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô... vào nội dung điều chỉnh của chương “Quản lý tài nguyên hải đảo”.

Ủy ban Thường vụ cho biết, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, các bãi cạn chìm xuống khi triều lên và nổi lên khi triều xuống là bãi cạn lúc nổi lúc chìm, không được coi là đảo. Luật biển Việt Nam cũng không quy định, do đó không đưa các dạng đảo này vào luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu quy định luật sơ hở có thể ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định luật như thế dễ sơ hở và bỏ mất sự bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. "Chúng ta có 3 loại cấu trúc theo Công ước Luật biển. Cấu trúc thứ nhất là đảo và các quần đảo; cấu trúc thứ hai là các bãi đá; cấu trúc thứ ba, theo Điều 13, Công ước Luật biển gọi bãi cạn nửa chìm, nửa nổi và có thể gọi là bãi nổi khi nước ròng", ông Nghĩa phân tích.

Đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung vào dự án luật theo hướng, giải thích từ ngữ tài nguyên biển và hải đảo "bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven bờ, các đảo, quần đảo, bãi đá, bãi nổi khi nước ròng, thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam". Về định nghĩa hải đảo là đảo và quần đảo trên biển, đại biểu đề nghị, hải đảo theo luật này là "các đảo, quần đảo trên biển bao gồm cả các bãi đá, các bãi nổi khi nước ròng, nằm trong lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam".

Đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật gồm bãi đá ngầm, các đảo nhân tạo, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên nói: "Chúng ta phải làm sao bảo vệ được chủ quyền của đất nước".

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị cần đưa nhiều đoàn ra thăm Trường Sa.

"Tôi cho rằng việc chúng ta quy định các bãi đá, bãi san hô, bãi cạn nửa chìm, nửa nổi vào trong luật này là hoàn toàn phù hợp và mâu thuẫn với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Chỉ quy định thì chúng ta mới có cơ sở để đấu tranh với những hành vi xâm phạm", đại biểu Trường khẳng định.

Không phân tích cụ thể vào dự án luật, đại biểu Đỗ Văn Vẻ bày tỏ cảm xúc, biển đảo là nguồn tài nguyên phong phú và vô tận, ngàn đời nay ông, cha ta đã gìn giữ và phát triển. Đặc biệt là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nếu ai từng đi thăm đảo Trường Sa sẽ có chung cảm nhận sâu sắc và thiêng liêng, hình ảnh những người chiến sĩ đảo kiên cường, dũng cảm hy sinh, đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

"Chúng tôi cũng trân trọng đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách đặc biệt quan tâm đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để nghiên cứu, đầu tư phát triển vừa ý nghĩa phát triển kinh tế, vừa ý nghĩa bảo vệ an ninh, quốc phòng", đại biểu Vẻ đề nghị và mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt ra thăm đảo hơn nữa.

Trao đổi với báo chí bên hành lang quốc hội chiều 28/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chủ tịch Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ, giao cho Bộ trưởng Ngoại giao chuẩn bị tài liệu, báo cáo với Quốc hội về vấn đề biển Đông. Quốc hội sẽ họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo vào ngày 5/6.

Theo VnExpress


Tin khác