PHẢI CÓ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ TỪ TAND TỐI CAO

Cập nhật 10:15:58 - 11/27/2014 - Viewed: 15540
Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quyết định nội bộ” của cơ quan quản lý nhà nước nên có chuyện tòa này thụ lý đơn kiện của dân, tòa kia từ chối. Nhiều chuyên gia cho rằng TAND Tối cao cần phải có hướng dẫn cụ thể...

Trước đây đất của gia đình ông Lê Văn Thoàng ở phường 3, thị xã Kiến Tường (Long An) bị chính quyền địa phương thu hồi để thực hiện công trình cụm dân cư Cầu Dây. Thực hiện chính sách tái định cư, ngày 10-9-2013, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 3193 phê duyệt đơn giá đất để UBND huyện Mộc Hóa giao đất tái định cư cho 19 hộ dân, trong đó có hộ ông Thoàng.

Tòa từ chối vì là “quyết định nội bộ”

Theo quyết định trên, đơn giá đất tái định cư là 1,5 triệu đồng/m2. Cho rằng đơn giá như vậy quá cao, gấp ba lần giá thu hồi, không phù hợp thực tế, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của gia đình mình, ngày 5-9-2014, ông Thoàng khởi kiện Quyết định số 3193 của UBND tỉnh Long An ra TAND tỉnh này.

Trong đơn kiện, ông Thoàng yêu cầu tòa hủy phần quyết định liên quan đến đơn giá tái định cư áp dụng đối với hộ gia đình ông, buộc UBND tỉnh điều chỉnh giá xuống còn 400.000 đồng/m2, cho gia đình ông ghi nợ tiền sử dụng đất tái định cư trong thời hạn 5 năm theo quy định của Chính phủ.

Ngày 12-9-2014, TAND tỉnh Long An đã ra thông báo trả lại đơn kiện của ông Thoàng với lý do: Quyết định số 3193 không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính nên ông không có quyền kiện. Theo tòa, Quyết định số 3193 của UBND tỉnh Long An có nội dung phê duyệt đơn giá đất tái định cư để UBND huyện Mộc Hóa áp dụng khi giao đất tái định cư nên là quyết định hành chính nội bộ (giữa UBND tỉnh Long An và UBND huyện Mộc Hóa). Trường hợp sau này khi UBND huyện Mộc Hóa áp dụng mức giá khi giao đất tái định cư mà ông Thoàng không đồng ý thì ông có quyền khiếu kiện với quyết định áp giá đất của UBND huyện Mộc Hóa.

Ông Thoàng khiếu nại thông báo trả lại đơn kiện đến chánh án TAND tỉnh nhưng bị bác đơn. Mới đây, ông đã gửi đơn khiếu nại đến chánh án TAND Tối cao.


 
Đại diện hộ gia đình ông Lê Văn Thoàng (bìa trái) - người đang khiếu nại TAND tỉnh Long An vì từ chối nhận đơn kiện. 

Chưa thống nhất cách hiểu

Giaỉ đáp cho tình huống trên, một thẩm phán chuyên xử án hành chính ở TP.HCM nói: “Rất tiếc, hiện nay chưa có một văn bản hướng dẫn rõ thế nào là “quyết định nội bộ”. Cho nên tùy thuộc vào mỗi tòa mà có cách nhìn nhận và áp dụng khác nhau”.

Theo vị thẩm phán này, khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính quy định “các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức” không phải là đối tượng khởi kiện án hành chính. Theo khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó.

Tuy nhiên, giải thích của luật còn chung chung nên gặp tình huống như ông Thoàng, trong các tòa hiện đang có hai luồng quan điểm:

- Thứ nhất, đây là quyết định hành chính mang tính nội bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính nên người dân không có quyền khởi kiện.

Thứ hai, quyết định dạng này được áp dụng đối với một số hộ dân nhất định, có đưa ra đơn giá cụ thể, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ nên là đối tượng khởi kiện hành chính và tòa phải thụ lý, giải quyết cho dân.

Vị thẩm phán này ủng hộ cách hiểu thứ hai và cho biết mới đây tòa án một quận ở TP.HCM cũng gặp tình huống tương tự và phải xin ý kiến của TAND TP.HCM. Sau đó, TAND TP.HCM đã chỉ đạo tòa này là thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện.

TAND Tối cao cần hướng dẫn

Đồng tình với cách hiểu của TAND TP.HCM, hai luật sư Nguyễn Ngọc Khuể (Đoàn Luật sư TP.HCM) và Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02 ngày 29-7-2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính), quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác do cơ quan hành chính nhà nước ban hành, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Đối chiếu với trường hợp của ông Thoàng, có thể thấy Quyết định số 3193 của UBND tỉnh Long An được áp dụng một lần đối với 19 hộ dân (trong đó có hộ ông Thoàng) về một vấn đề cụ thể (phê duyệt giá đất tái định cư 1,5 triệu đồng/m2) trong hoạt động quản lý hành chính về tái định cư, có ảnh hưởng tới quyền lợi của 19 hộ dân. Như vậy, nó phải là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện án hành chính. Khi một hay vài hộ dân trong 19 hộ dân này hay tất cả đều khởi kiện thì tòa phải thụ lý, giải quyết.

Ngược lại, luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại đồng ý với nhận định của TAND tỉnh Long An. Luật sư Bình cho rằng đúng ra ông Thoàng phải kiện quyết định áp giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND huyện Mộc Hóa đối với gia đình ông mới đúng chứ không phải kiện quyết định phê duyệt đơn giá đất tái định cư của UBND tỉnh Long An. Bởi lẽ quyết định áp giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện mới là quyết định cụ thể áp dụng đối với hộ ông Thoàng. Tuy nhiên, khi tòa xem xét vụ án thì ông Thoàng có quyền chứng minh việc UBND tỉnh Long An phê duyệt đơn giá đất tái định cư như vậy là không hợp lý, dẫn đến việc UBND huyện “ban hành quyết định trái pháp luật”... Thực tế đã có nhiều vụ huyện bị kiện vì làm theo phê duyệt của tỉnh. Trường hợp này gọi là “cha làm sai nhưng pháp luật bắt con phải chịu”.

Trước hai luồng quan điểm, nhiều chuyên gia đã cho rằng TAND Tối cao cần có hướng dẫn bởi tình huống tương tự như của ông Thoàng vẫn thường xảy ra trên thực tế.

Theo Pháp luật


Tin khác