Prudential có trách nhiệm gì trong vụ lừa đảo trăm tỷ

Cập nhật 13:40:26 - 10/15/2013 - Viewed: 2563
Phía Công ty bảo hiểm nhân thọ đã không thể trả lời rõ ràng về lý do “ngâm” đến 5 tháng, không báo cơ quan công an về việc phát hiện nhiều hợp đồng có dấu hiệu giả mạo, giả cả chữ ký của Tổng giám đốc trong các bản hợp đồng này…
 
 

Sự chậm trễ đáng tiếc

 
Sáng 15/10, phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm “Vụ án Bùi Thị Thu Hằng và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tiếp tục phần xét hỏi. Đại diện Cty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential và bà Trần Thị Kim Lan, Trưởng Chi nhánh Prudential Quảng Ninh tiếp tục trả lời các câu hỏi của luật sư liên quan đến nội dung vụ án này.
 
Về những vấn đề liên quan đến việc quản lý của Prudential khi phát hiện các hợp đồng giả mạo, bà Lan cho biết, ngày 18/1/2011 khi phát hiện đã báo cáo về Cty, trong đó bà ghi chú về dấu hiệu hợp đồng bị làm giả. “Khi đó tôi chưa khẳng định tuyệt đối một trăm phần trăm, nhưng bản thân tôi nhận thấy có sự giả mạo, nên báo về và scan gửi bản hợp đồng này về ngay Cty”, bà Lan khai. Như vậy, việc gian dối này được phát hiện từ rất sớm, vào tháng 01/2011.
Bà Lan cho biết khi phát hiện hợp đồng giả mạo đã gửi ngay về Cty để báo cáo
 
Liên quan đến nội dung này, Cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: “Vào thời gian tháng 1/2011, chị Nguyễn Thị Hiền nguyên là trưởng ban kinh doanh của công ty Prudential chi nhánh Quảng Ninh (hiện nay chị Hiền đã chuyển sang Công ty bảo hiểm AIA Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh từ tháng 7/2011) nhận được 1 số thông tin về việc Bùi Thị Thu Hằng bán các gói bảo hiểm của Prudential có thời hạn ngắn ngày (không phải là sản phẩm chính thức của Prudential-PV), chị Hiền đã trao đổi lại thông tin tiếp nhận được cho bà Trần Thị Kim Lan - trưởng đại diện Prudential tại Quảng Ninh.( Trên cơ sở báo cáo của bà Trần Thị Kim Lan và những thông tin nhận được, Công ty Prudential đã tạm đình chỉ hợp đồng Đại lý đối với Hằng và gọi Hằng đến để xác minh làm rõ”.
 
Như vậy, việc gian dối, giả mạo được phát hiện vào tháng 1/2011 nhưng phải đến 5 tháng sau mới được Prudential báo với cơ quan công an.
“Vì sao, phải 5 tháng sau, Prudential mới báo cho Cơ quan công an về việc này?”, luật sư Vũ Thị Nga (Văn phòng luật sư Công Lý Việt) hỏi. Đại diện phía Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential giải thích lý do của sự chậm trễ này là “chúng tôi phải họp bàn nhiều…”.
Trong vụ án này, nhiều bằng chứng cho thấy phía hãng bảo hiểm đã có sự “lỏng tay” một cách đáng tiếc, bỏ qua những dấu hiệu về hành vi lừa đảo của đại lý bảo hiểm Bùi Thị Thu Hằng. Việc này đã vô hình chung tạo điều kiện để bị cáo được đà tác quái, lừa chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các nạn nhân.
 
Đính chính trước tòa?
 
Ngay từ khâu tuyển dụng, đào tạo đại lý bảo hiểm cũng cho thấy có sự thiếu chặt chẽ. Như Pháp luật&Xã hội đã phản ánh trong bài viết trước về việc ký hợp đồng đại lý bảo hiểm với Bùi Thị Thu Hằng, đó là: Ngày 21/8/2009, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm thuộc Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm ra quyết định công nhận kết quả thi đại lý bảo hiểm, lúc này thị Hằng mới được công nhận thi đỗ. Thế nhưng, trước đó một ngày – ngày 20/8/2009 ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Phó Tổng GĐ phụ trách kinh doanh và văn phòng khu vực toàn quốc của Prudential Việt Nam ký Hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ, cấp cho thị Hằng mã số đại lý 60203737 (DR1-Z67-D12-QN1). Trả lời trước tòa về việc này, đại diện của Cty Prudential chỉ giải thích rằng “đó là sự nhầm lẫn” và sau đó phía Cty và đại lý Hằng đã đính chính lại ngày ký. Tuy nhiên, khai trước Tòa, bị cáo Hằng cho biết, bị cáo chưa hề ký lại hợp đồng đại lý nào khác, việc đính chính (nếu có) chỉ là đơn phương của phía Prudential.
 
Liên quan đến việc này, bị cáo Hằng nhiều lần khai tại tòa rằng, bị cáo chỉ được đến lớp vài phút, chưa học được buổi nào và đến khi thi thì được đưa một bài đánh dấu sẵn, chỉ việc điền vào bài thi của mình.
 
Trả lời trước HĐXX, phía Prudential nói: Chúng tôi đã kiểm tra lại Hồ sơ đăng ký tham gia làm đại lý của Hằng thì chúng tôi khẳng định rằng hoàn toàn không có sự việc đó. Và khi kiểm tra Hồ sơ đăng ký làm đại lý của Hằng, chúng tôi thấy rằng bộ hồ sơ đó là hoàn toàn hợp lệ theo đúng như Luật kinh doanh bảo hiểm, thậm chí đáp ứng cả những quy định của Công ty phức tạp hơn cả quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. “Chúng tôi khẳng định quá trình tuyển dụng đại lý Bùi Thị Thu Hằng là hoàn toàn hợp lệ và đảm bảo theo đúng quy trình”, vị cán bộ pháp chế, đại diện trước tòa của Prudential nhấn mạnh.
Đại diện ủy quyền trước tòa của Prudential khẳng định việc tuyển Hằng làm đại lý là đúng theo quy định
 
Phía Prudential khẳng định vậy, nhưng thực tế trong phiếu điểm danh của lớp “Huấn luyện: Pru khởi đầu sự nghiệp” (từ ngày 11 đến 15/8/2009), những chữ ký điểm danh cho Bùi Thị Thu Hằng khác hoàn toàn với 3 chữ ký mẫu Hằng đã ký trong hồ sơ tuyển dụng, đã gửi Công ty từ ngày 5/8/2011. Chi tiết này khớp với lời khai của Hằng trước tòa, rằng chỉ tham dự lớp học có vài phút, rồi thôi.
 
Một vấn đề liên quan khác là bị cáo Bùi Thị Thu Hằng, khi còn là đại lý của Prudential, từng bị tạm đình chỉ hoạt động vào ngày 24/1/2011, thế nhưng vẫn được vinh danh trong Bảng vàng của Prudential Việt Nam được công bố ngay sau đó. Điều đặc biệt hơn nữa trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động Hằng vẫn được hoạt động đại lý bảo hiểm như bình thường và kịp ký 11 hợp đồng trong thời gian tạm đình chỉ này, thậm chí có hợp đồng bảo hiểm được Hằng ký ngay vào ngày 5/8/2011 khi đã bị chính thức đình chỉ đại lý và cơ quan công an đã vào cuộc và hợp đồng ngày 5/8/2011 này vẫn được Prudential chấp nhận và tồn tại trên hệ thống của Prudential cho đến nay.
 
“Ngày 24/1/2011 không phải là tạm đình chỉ mà tạm khóa thu nhập của đại lý Hằng để kiểm tra”, đại diện Prudential giải thích.
 
Tuy nhiên, luật sư Đinh Thị Phượng (Đoàn LS tỉnh Quảng Ninh) khẳng định hồ sơ vụ án, cả trong bản Cáo trạng cũng thể hiện việc Prudential “tạm đình chỉ hoạt động đại lý với Hằng” từ ngày 24/1/2011 và phải đến ngày 04/3/2011 mới được khôi phục đại lý, thế nhưng trong khoảng thời gian này, Hằng vẫn được hoạt động bình thường, lừa được hàng chục khách hàng nữa.
 
“Điều này thể hiện sự không minh bạch trong hoạt động của phía Prudential”, luật sư Phượng bình luận.
 
Sự việc rõ ràng đến vậy, nhưng phía Prudential vẫn nhiều lần lặp lại việc này, cố giải thích rằng, không có việc tạm đình chỉ đại lý Hằng mà chỉ khóa mã thu nhập đối với đại lý này.
 
Về việc bị cáo Hằng báo mất quyển phiếu thu, lại được cấp ngay quyển khác, phía Prudential cho biết, việc này Công ty luôn luôn yêu cầu đại lý phải giải trình ngay lý do mất, lưu trong hệ thống.
 
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi liên quan của luật sư, bị cáo Bùi Thị Thu Hằng khai, khi báo mất thì bị cáo được cấp ngay quyển phiếu thu mới và phải nhiều tháng sau thì bị cáo mới được phía Cty yêu cầu làm bản giải trình. Được yêu cầu giải thích thêm về việc này, đại diện của Prudential nói rằng, việc cấp lại ngay quyển phiếu thu là tạo điều kiện cho đại lý bảo hiểm hoạt động…(!).
 
Trong vụ án này, xâu chuỗi những hành vi của bị cáo Hằng từ ban đầu cho thấy, hành vi của Hằng ngày càng táo tợn, giá trị lừa đảo càng ngày càng lớn.
 
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh, các tháng bị cáo Hằng lừa đảo được khách hàng ngày một tăng. Cụ thể, tháng 2/2011 lừa đảo được 950 triệu đồng; tháng 3/2011 lừa được 5,8 tỷ đồng. Sau khi Hằng được tôn vinh lại đại lý xuất sắc trong Bảng vàng Prudential và được công bố vào tháng 3/2011, thì đến khoảng thời gian 02 tháng sau đến ngày 11/7/2011 thì số tiền Hằng lừa được hơn 200 tỷ đồng; sau ngày 11/7/2011 Hằng bị chấm dứt hợp đồng vẫn lừa được thêm trên 6 tỷ đồng.
 
 
 
Theo Phapluatxahoi

 


Tin khác