Quyền im lặng của nghi can và Cải cách tư pháp

Cập nhật 11:45:34 - 09/29/2014 - Viewed: 10659
Phòng chống oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nghi can, của đương sự luôn là vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, đòi hỏi. Đây cũng chính là những vấn đề đã được đặt ra, được nhấn mạnh trong Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp 2013 của Nhà nước.

 

Mới đây, Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND và Luật Tổ chức TAND, lần đầu tiên tại diễn đàn lập pháp gần cao nhất này (chỉ sau Quốc hội họp phiên toàn thể), vấn đề “quyền im lặng” được đưa ra bàn thảo một cách chính thức. 

“Quyền im lặng” là việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can (gọi chung là nghi can) có quyền giữ im lặng cho đến khi có mặt luật sư mới buộc phải đưa ra lời khai. Đây là một chế định bắt buộc trong tố tụng hình sự của rất nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên lại rất mới mẻ ở Việt Nam. Vấn đề này từng nhiều lần được giới luật sư nêu ra, nhưng thường bị bác đi thay cho đánh giá, tiếp thu một cách đầy đủ. 

Nói về kiến nghị của giới luật sư, “quyền im lặng” chỉ là một trong những vấn đề cụ thể của nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội (nguyên tắc này được giảng dạy trong các trường luật, song chưa được quy định đầy đủ, trực tiếp trong Bộ luật Tố tụng hình sự).

Nguyên tắc này buộc các cơ quan và người tiến hành tố tụng trong mọi giai đoạn của vụ án phải thu thập và đánh giá tài liệu, chứng cứ trước hết theo hướng gỡ tội, rồi sau đó mới theo hướng cột tội, nhằm tránh làm oan và bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nghi can một cách cao nhất. 

Chiến lược cải cách tư pháp

Người ta bàn nhiều đến nguyên tắc suy đoán vô tội từ khi Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết 08 và sau đó là Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp; vấn đề này lại được nhắc đến mỗi khi có cuộc thảo luận rộng rãi về một sắc luật liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự, hoặc mỗi khi có một vụ án oan, một vụ bức cung - nhục hình được phanh phui gây chấn động dư luận.

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị được ban hành ngày 02/01/2002; Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị được ban hành ngày 02/6/2005; đây là những văn bản nhằm chấn chỉnh hoạt động tư pháp, đề ra định hướng chiến lược cho công tác tư pháp nói chung, hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, đến năm 2020. Mới đây, Bộ Chính trị đã tổng kết thực hiện cải cách tư pháp những năm qua, và ra Kết luận số 92 ngày 12/3/2014“Về việc tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

Những năm qua, cải cách tư pháp đã được các cơ quan, đơn vị tư pháp và bổ trợ tư pháp, cũng như đông đảo người dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đảng đưa ra những chiến lược cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể, để củng cố và đổi mới hoạt động tư pháp, trong đó lấy đổi mới xét xử (đẩy mạnh hoạt động tranh tụng) làm trọng tâm.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, những cải cách này nhằm hạn chế tối đa làm oan cho người vô tội. Và nguyên tắc suy đoán vô tội, “quyền im lặng” được giới luật sư kiến nghị chính là để hưởng ứng cải cách tư pháp của Đảng.

Quốc hội cần có Nghị quyết

Để “quyền im lặng” trở thành một chế định pháp lý bắt buộc, trước hết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, tiếp đến phải xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như Luật Tổ chức CQĐT, Viện KSND, TAND, Luật Luật sư… Những việc này (thuộc thẩm quyền Quốc hội) cần được tiến hành đồng bộ, nhất là trong bối cảnh Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực thi hành. Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự là việc lớn, thực hiện cải cách tư pháp theo chiến lược của Đảng là việc lớn hơn nữa. Ở lĩnh vực này, dường như Quốc hội còn nợ quốc dân một Nghị quyết. 

Còn nhớ, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13, được các cơ quan tư pháp cũng như cử tri cả nước rất hoan nghênh. Đây chính là nghị quyết đầu tiên của Quốc hội trực tiếp về công tác tư pháp, với tên gọi khá dài “Về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013”. Tuy nhiên, qua tên gọi đã có thể thấy vấn đề đặt ra của Nghị quyết 37 khá hẹp (chỉ trong năm 2013), và nó nặng về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, chưa đi sâu vào công tác lập pháp và cải cách tư pháp.

Hiện tại, Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực thi hành. Cải cách tư pháp cũng đã đi được một chặng đường khá dài, cần được tiếp tục đẩy mạnh. Diễn biến tội phạm đang có nhiều phức tạp, nhiều vụ án oan, nhiều vụ bức cung, nhục hình nghi can gây bức xúc dư luận.

Thiết nghĩ, đây là lúc Quốc hội cần có một Nghị quyết riêng về cải cách tư pháp, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật liên quan, theo tinh thần Nghị quyết 49 và quy định của Hiến pháp 2013.

Theo Tiền phong

Tags: luat, tu phap, quyen,

Tin khác