Trong quý 4-2013 :Nhiều vụ án tham nhũng lớn sẽ được đưa ra xét xử

Cập nhật 09:38:02 - 10/29/2013 - Viewed: 5226
Ngày 28-10, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quý 4-2013 sẽ xét xử một số vụ án tham nhũng nổi cộm trong số 10 “đại án tham nhũng”

Thưa ông, xin ông cho biết về tiến độ xử lý 10 đại án tham nhũng?

Ông Nguyễn Hòa Bình: Hiện 6 vụ đã có kết luận điều tra, 4 vụ còn lại cũng đã hoàn tất cáo trạng. Trong đó, 6 vụ đã ủy quyền công tố cho hai TP, các cơ quan tiến hành tố tụng của  Hà Nội và TP HCM.

Theo đó, Hà Nội sẽ xét xử vụ Dương Chí Dũng (Vinaline), vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn, vụ Nguyễn Đức Kiên ở ngân hàng ACB. Trong 3 vụ ở Hà Nội thì vụ ở ngân hàng ACB và vụ Dương Tự Trọng đã bàn giao cho tòa án.

Tại TP HCM sẽ xét xử 3 vụ: Vụ tham ô tại Vifon, vụ xảy ra ở Cty tài chính 2. Hai vụ này theo thống nhất với tòa, phiên tòa sẽ được mở ra đầu tháng 11 tới. Còn vụ thứ 3 là vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch của Vietinbank, đến nay đã hoàn tất cáo trạng. Thời gian xét xử cụ thể tòa án sẽ quyết định nhưng chắc chắn sẽ được mở trong quý 4-2013.
 

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi với báo chí bên lề phiên họp.   Ảnh:Thanh Hải 

Vậy đối với những vụ còn lại, lộ trình xử lý như thế nào để dứt điểm, thưa ông?

Ông Nguyễn Hòa Bình: Các vụ còn lại, mỗi vụ có yêu cầu chứng minh khác nhau, khả năng đáp ứng của CQĐT, VKS khác nhau. Tuy nhiên, tinh thần chung là sẽ tập trung điều tra, phối hợp  chặt chẽ giữa CQĐT và cơ quan công tố; khẩn trương chuyển hồ sơ cho  tòa án để kết thúc điều tra. Những vụ còn lại thì khả năng phải sang năm 2014.

Đối với những vụ này, ngoài khó khăn chung của yêu cầu chứng minh các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn thì rất nhiều vụ có yếu tố nước ngoài đòi hỏi phải có sự tương trợ tư pháp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nước ngoài và sự hưởng ứng từ các cơ quan tiến hành tố tụng ở nước ngoài. Nhưng sự hưởng ứng này có những nước tốt, có nước còn hạn chế. Nhiều yêu cầu của chúng ta đưa ra nhưng khả năng đáp ứng của họ có mức độ.

Khó khăn thứ nữa là đòi hỏi của dư luận rất cao đối với các vụ án này; vừa phải chính xác, triệt để vừa phải nhanh, khẩn trương. Đây thường là những yêu cầu trái nhau nên các cơ quan tố tụng sẽ cố gắng hết mình, phối hợp với nhau thật chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và công luận.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cho rằng, càng chậm trễ trong việc giải quyết thì khả năng thu hồi tài sản tham nhũng càng khó; có khi 100% chỉ thu hồi được 10%. Vậy quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Hòa Bình: Đối với các vụ án tham nhũng và kinh tế nói chung, không phải chỉ đến bây giờ mà từ lâu rồi, cũng không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, khả năng thu hồi tài sản không bao giờ đáp ứng được yêu cầu 100%. 

Có những vụ án khi các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện thì trên thực tế, việc phạm tội đã xảy ra trước đó nhiều năm nên đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử chỉ là giai đoạn chứng minh thôi. Do đó, hy vọng thu hồi tài sản 100% rất khó thực hiện không phải chỉ đối với nước ta mà còn đối với nhiều nước trên thế giới. Tinh thần chung là phải cố gắng thu hồi càng nhiều càng tốt.

Trong tương lai, theo tôi cần phải thay đổi luật hình sự, luật tố tụng hình sự để làm tăng thêm khả năng thu hồi tài sản. Bởi vì chúng ta đang có hạn chế là những tài sản được chứng minh là bất hợp pháp từ con đường phạm tội thì mới được thu hồi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!



10 đại án tham nhũng

1. Vụ án tham nhũng tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
2. Vụ tham nhũng tại Cty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank).
3. Vụ án kinh tế tại Cty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP HCM.
4. Vụ án kinh tế tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank.
5. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Cty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu.
6.Vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Nông.
7.Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
8. Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên.
9. Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank.
10. Vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin.

Theo Phapluatxahoi


Tin khác