Vợ của TTGT gửi đơn kêu cứu về cái chết của chồng

Cập nhật 11:11:49 - 10/20/2014 - Viewed: 8008
Gia đình nêu hàng loạt nghi vấn về cái chết của nạn nhân và đề nghị Cục Điều tra VKSND Tối cao vào cuộc.
Ngày 17-10, bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Nguyễn Tấn Mẫn, Đội trưởng thanh tra giao thông, trạm phó trạm cân 56 (Sở GTVT tỉnh Đắk Nông), đã gửi đơn lên Cục Điều tra VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng kêu cứu về cái chết của chồng. Bà cho rằng Công an tỉnh Đắk Nông thông tin việc ông Mẫn chết là do nhảy lầu tự tử vào chiều 9-10 là không đúng và cái chết của ông Mẫn có dấu hiệu bất thường.

Trong đơn, bà Tuyết cho biết lúc 16 giờ 8 phút ngày 9-10, em ông Mẫn gọi điện thoại hỏi thăm và ông Mẫn trả lời rất bình thường: “Anh đang làm việc với công an, lát nữa xong việc anh gọi lại”. Nếu thật sự ông Mẫn được ra ngoài đi vệ sinh, sao ông không gọi điện thoại lại cho người em?

“Khoảng 16 giờ 20 ngày 9-10, tôi gọi điện thoại, anh Mẫn trả lời: “Em đi đón con rồi về nấu ăn đi, lát nữa anh về”, như vậy nạn nhân chưa chuẩn bị cho việc tự tử” - bà Tuyết nêu.

Bà Tuyết nêu: Sự việc xảy ra tại cơ quan công an tỉnh vào cuối giờ hành chính, trong không gian là dãy nhà ba tầng hình chữ U có rất nhiều người. Lúc đó sắp đến giờ nghỉ mà không có một ai nhìn thấy là hoàn toàn vô lý? Nạn nhân đi vệ sinh hơn 10 phút, đi từ tầng 2 lên tầng 3 mà không gặp bất kỳ ai. Chỗ lan can có đôi giày được cho là nơi nạn nhân nhảy xuống là cửa ra vào của một phòng làm việc, không lẽ người trong phòng nhìn ra mà không thấy gì?

“Về hiện trường, sân nơi được cho là vị trí nằm của nạn nhân khi rơi xuống có ba vết máu ở ba viên gạch liền kề có thể là đầu - mình - chân, nằm song song với bờ tường. Một người nhảy lầu tự tử thì không thể xoay người song song với bờ tường được…

Đại tá Lương Ngọc Lếp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, tại buổi họp báo ngày 14-10.

Ở tầng 2 (lầu 1), nơi được cho là có phòng làm việc của cán bộ điều tra với ông Mẫn thì hành lang, phòng làm việc, nhà vệ sinh và cầu thang đều rất bẩn, lâu ngày không được lau rửa. Lúc khám nghiệm hiện trường, điều tra viên tên T. giải thích với chú của tôi là không có tạp vụ nên lâu lâu anh mới lau một lần. Tuy nhiên, khi bước lên tầng 3 (lầu 2) thì hành lang và nhà vệ sinh rất sạch, không có hạt bụi nào bám vào chứng tỏ nhà vừa mới được lau rửa và anh T. công nhận điều này. Từ đó chúng tôi dự đoán có thể xảy ra xô xát ở tầng 3, có chảy máu ở đây nên đã được lau sạch trước khi khám nghiệm?” - đơn bà Tuyết nêu.

“Vì sao nạn nhân để lại giày trước khi nhảy lầu?... Từ những dấu hiệu ghi nhận được tại hiện trường, chúng tôi suy đoán là ông Mẫn đã chết hoặc bị thương nặng tại tầng 3 (lầu 2) máu chảy ra nhiều tại đây nên tầng 3 đã được lau rửa sạch sẽ trước khi gia đình chúng tôi có mặt…

Nạn nhân đã chết trước khi được đưa đến bệnh viện, chân không đi vớ. Bác sĩ và sau đó là người nhà nạn nhân tìm khắp nơi mà không thấy. Nhưng khoảng 7 giờ 30 sáng 10-10, khi chuẩn bị khám nghiệm tử thi thì công an đưa ra một đôi vớ, bảo là của nạn nhân rồi yêu cầu đưa vào biên bản khám nghiệm” - bà Tuyết nêu trong đơn.

Theo bà Tuyết, ông Mẫn mới nhận chức đội trưởng và trạm phó khoảng vài tháng thì số tiền nhận hối lộ (nếu có) cũng chưa nhiều và chưa thể gây ra sự hoang mang cao độ để có thể tự tử. Mẫn là con trai cả trong gia đình, có cha và mẹ đang bệnh nặng (hai ông bà bị tai biến nặng từ năm năm nay), vợ và hai con còn thơ dại lại ở xa ông bà, cha mẹ. Vì vậy không thể có chuyện bồng bột nhảy lầu tự tử được. “Chồng tôi từ trước đến nay tâm lý bình thường, điềm đạm và rất vững vàng với các sự cố đặc biệt, vì vậy không thể vì nghi án nhận hối lộ mà tự tử”.

Từ hàng loạt nghi vấn, bà Tuyết yêu cầu Cục Điều tra VKSND Tối cao vào cuộc điều tra vì cho rằng con của một lãnh đạo công an tỉnh tham gia điều tra, lấy lời khai nhưng vụ việc để công an tỉnh điều tra, kết luận là không khách quan.

Theo Pháp Luật


Tin khác